Tăng cường giám sát để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ đất công ích 5%

Thứ ba - 06/12/2022 06:20 1.351 0
Đất công ích là quỹ đất nông nghiệp nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích của một cộng đồng nhất định theo từng địa phương.
Nguồn hình thành quỹ đất công ích 5% theo quy định tại Điều 132 Luật Đất đai năm 2013: căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương; nguồn bổ sung quỹ đất 5% còn có đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng, cho quyền sử dụng cho nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi là nguồn để hình thành hoặc bổ sung cho quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
 
image001 3

Người trúng thầu đất công ích 5% có trách nhiệm sử dụng đất để sản xuất hiệu quả, đóng nghĩa vụ đầy đủ theo cam kết . Ảnh: PV

Quỹ đất công ích 5% dùng để xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, thị trấn như công trình văn hóa, thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và các công trình công cộng khác do UBND cấp tỉnh quy định; xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương; đất được sử dụng vào xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, thị trấn từ đất của người dân thì đất công ích sẽ được trích để bồi thường cho những hộ dân đó.
Trong trường hợp quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích vượt quá 5% thì phần vượt quá 5% sẽ được sử dụng xây dựng và bồi thường cho những hộ gia đình, cá nhân khi sử dụng đất khác thuộc quyền sử dụng của họ để xây dựng các công trình công cộng; giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho những hộ gia đình, cá nhân chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Để tránh trường hợp lãng phí đất đai, khi có nguồn đất nhưng không được canh tác thì UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất dưới hình thức đấu giá đất. Hộ gia đình, cá nhân thuê đất chỉ được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Thời hạn UBND cấp xã cho thuê đất công ích cho hộ gia đình, cá nhân là 5 năm.

Đất công ích sẽ do UBND cấp xã quản lý, người chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất công ích phải nộp vào ngân sách nhà nước do UBND cấp xã quản lý và chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 66 Luật Đất đai 2013 quy định, trong các trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã.

Theo điểm d, khoản 1 Điều 76 Luật Đất đai 2013, đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thuộc trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi nhà nước thu hồi đất với các khoản chi phí sau: chi phí san lấp mặt bằng; chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.

Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đồng nghĩa với việc đất công ích sẽ không được cấp sổ đỏ.

Thực trạng quản lý, sử dụng đất công ích 5% trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích đất tự nhiên có 470.123 ha. Trong đó, có 414.641 ha sử dụng cho các mục đích nông nghiệp gồm: sản xuất nông nghiệp 122.393,56 ha, lâm nghiệp 288.898,56 ha, nuôi trồng thủy sản 3.057,6 ha, làm muối 10,45 ha, nông nghiệp khác 281,40 ha.

Tổng diện tích đất công ích trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương đến ngày 19/8/2022 có 1.214,09 ha, chi tiết tại huyện Triệu Phong: 360,10 ha; thành phố Đông Hà: 40,84 ha; huyện Hải Lăng: 310,72 ha; thị xã Quảng Trị: 15,36 ha; huyện Cam Lộ: 123,35 ha; huyện Gio Linh: 83,36 ha; huyện Vĩnh Linh: 356,36 ha; huyện Đakrông: 7,36 ha; huyện Hướng Hóa: 0 ha. Chia theo mục đích sử dụng: đất trồng cây hằng năm: 921,69 ha; đất trồng cây lâu năm: 4,37 ha; đất nuôi trồng thủy sản: 133,81 ha; đất nông nghiệp còn lại: 154,82 ha.

Đất công ích 5% tại các địa phương cấp xã phân bố không đồng đều, không liền vùng, liền thửa, phân tán nhỏ lẻ, xa trung tâm, gần sông, thấp trũng; xen kẻ với diện tích đất giao cho các hộ gia đình, cá nhân.

Hình thức sử dụng: đất công ích cho thuê: 1.130,49 ha; cho mượn: 78,31 ha; UBND xã đang quản lý: 5,29 ha. Phân theo thời gian sử dụng: hằng năm: 324,67 ha, thời gian 5 năm: 648,04 ha, trên 5 năm: 13,74 ha, không xác định thời gian: 227,64 ha.

Về hình thức cho thuê: UBND xã xây dựng kế hoạch sử dụng đất công ích 5%; thành lập hội đồng đấu giá đất công ích, ban hành quy chế tổ chức đấu giá để cho thuê đất công ích 5 năm một lần, hoặc 2 năm 1 lần; tổ chức đấu giá rộng rãi, công khai, dân chủ tại thôn; đối tượng được tham gia là tất cả công dân có hộ khẩu thường trú tại xã, không phân biệt người khác thôn.

Một số địa phương giao cho thôn thành lập hội đồng đấu giá đất công ích 5%, UBND xã với vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; người trúng thầu ký kết hợp đồng với UBND xã, có trách nhiệm thực hiện sản xuất theo lịch thời vụ, đóng nghĩa vụ bằng sản lượng lúa quy ra tiền theo giá thị trường.

Một số địa phương không đấu giá được hoặc diện tích còn lại không ai đấu thì UBND xã tiến hành cho thuê, hoặc giao lại cho thôn và hợp tác xã để giao cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu thuê, mượn đất canh tác sau đó thu hoa lợi công sản; mức thu 10 kg lúa/sào (500 m2 ) đối với đất lúa và 3 kg lạc/sào đối với đất trồng lạc.

Nhìn chung đất công ích là quỹ đất nông nghiệp, nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích của một cộng đồng nhất định theo từng địa phương; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân; giải quyết được nhu cầu về đất xây dựng các công trình công cộng; hoán đổi đất, hoặc giao đất tái định cư cho các hộ gia đình bị thu hồi đất khi nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích công cộng.

Nhiều địa phương sử dụng quỹ đất công ích 5% để thực hiện mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm hai giai đoạn; thực hiện mô hình trình diễn. Nguồn thu từ quỹ đất công ích nộp vào ngân sách để chi cho nhiệm vụ công ích; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới; hoặc đưa vào chi cân đối.

Khi sử dụng quỹ đất công ích vào các mục đích công đều được Nhân dân chấp hành, đồng tình, ủng hộ. Hằng năm, một số địa phương thực hiện kế hoạch giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đã kịp thời khắc phục các hạn chế, thiếu sót, qua đó dần đưa công tác quản lý nhà nước về sử dụng đất công ích hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, sử dụng quỹ đất công ích 5% vẫn còn một số tồn tại hạn chế đó là: quỹ đất công ích của tỉnh ngày càng giảm dần, do chuyển vào mục đích phi nông nghiệp, ít được bổ sung; mặt khác quy định của pháp luật đất rừng trồng không thuộc quỹ đất công ích 5% nên khi rà soát các tổ chức sử dụng đất rừng trước đây trả lại không bổ sung vào quỹ đất công ích 5%.

Nguồn thu từ quỹ đất công ích theo Luật Đất đai được sử dụng vào mục đích công ích, nhưng Luật Ngân sách thì nguồn thu này được đưa vào cân đối ngân sách xã, thiếu tính thống nhất trong tổ chức thực hiện. Quản lý đất công ích 5% tại một số địa phương thiếu độ tin cậy; chưa được hệ thống hóa đầy đủ vào cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê số liệu của các địa phương có sự sai khác với cơ quan quản lý nhà nước.

Một số trường hợp vi phạm, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng đối tượng còn xảy ra. Theo Điều 118 Luật Đất đai 2013 thì việc nhà nước cho thuê đất công ích 5% để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối phải thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; quy trình đấu giá quyền sử dụng đất phải xây dựng phương án giá, xác định giá khởi điểm, trình duyệt phương án đấu giá một số địa phương chưa thực hiện đúng quy trình.

Để quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất công ích 5%, cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cấp xã phải thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu đất đai; lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai; hướng dẫn quy trình, thủ tục đấu giá quyền sử dụng quỹ đất công ích; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý, sử dụng quỹ đất công ích.
Lê Thiện
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay7,762
  • Tháng hiện tại182,277
  • Tổng lượt truy cập9,135,357
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây