Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân

Thứ hai - 04/07/2022 23:41 1.314 0
Ngay từ đầu nhiệm kỳ HĐND các cấp 2021 - 2026, xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; trước tình hình vi phạm pháp luật của một số cán bộ, đảng viên từ cơ sở đến trung ương đã bị xem xét, x lý theo quy định của pháp luậtTại nhiều hội nghị và diễn đàn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, lãnh đạo Quốc hội đã đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
vuongdinhhue
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (Ảnh: Daibieunhandan.vn)
 
Phát biểu kết luận tại Hội nghị Tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Bắc), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu các đại biểu, cơ quan dân cử địa phương cần trăn trở, trách nhiệm hơn với vai trò giám sát tại chỗ đối với những vấn đề, vụ việc, sai phạm ở cơ sở. Phát biểu  kết luận Hội nghị Tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Có những vấn đề như mua sắm tài sản công, đấu thầu đất đai vừa qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chúng ta phát hiện được bao nhiêu vụ việc sai phạm phải xử lý? Đây là vấn đề Hội đồng nhân dân phải có chuyên đề bàn bạc cụ thể nhằm khắc phục trong thời gian tới. Thực tế thời gian qua, rất nhiều sai phạm ở cơ sở được phát hiện chủ yếu qua điều tra, nhất là qua dư luận xã hội phản ánh của các cơ quan báo chí. Do vậy, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội rất trăn trở và mong muốn làm sao cơ quan dân cử địa phương phải làm việc tròn vai, xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, phải nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước ngay từ cơ sở nhằm chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng vặt trong đội ngũ cán bộ, công chức dẫn đến làm mất lòng tin của Nhân dân. Những chỉ đạo của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội  đặt ra yêu cầu khách quan cho Hội đồng nhân dân các cấp phải tiến hành đánh giá và đưa ra các giải pháp cơ bản với quyết tâm chính trị cao đối với hoạt động giám sát.
 
img 2585
 
Có thể khẳng định cùng với tiến trình đổi mới thể chế, đổi mới tổ chức bộ máy, Hội đồng nhân dân các cấp đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương như: kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, thu chi ngân sách, phân cấp quyết định mua sắm, đấu giá tài sản từ nguồn ngân sách địa phương, đầu tư XDCB, biên chế hành chính sự nghiệp, biện pháp thi hành Hiến pháp, pháp luật và ban hành các chính sách địa phương thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân mỗi cấp…Biểu hiện rõ và hiệu quả nhất là việc chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp HĐND. Các ban HĐND đã được kiện toàn đến HĐND cấp xã và tăng cường đại biểu làm việc chuyên trách tại các ban HĐND, cùng với việc tăng thẩm quyền của Thường trực HĐND trong việc ban hành văn bản QPPL hàng năm của HĐND đã cho thấy sự chủ động, linh hoạt và tính hiệu quả trong công tác quản lý ngân sách, quản lý các nguồn vốn đầu tư tại địa phương. Thực tế cho thấy một số đề án trong chương trình ban hành VBQPPL hàng năm của Hội đồng nhân dân không được Hội đồng nhân dân thông qua  do công tác chuẩn bị đề án của Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị chưa chu đáo, không bảo đảm các yêu cầu về khả năng cân đối ngân sách hoặc quy trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, áp dụng các chính sách không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Thậm chí có nơi Hội đồng nhân dân yêu cầu Uỷ ban nhân dân hủy bỏ quyết định đã ban hành trái quy định của pháp luật.
 
img 5518
 
Việc giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại tố cáo, giám sát công tác xét xử, thi hành án dân sự đã có nhiều chuyển biến tích cực làm giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài làm mất an ninh trất tự tại các địa phương. Nhiều nơi tạo cơ chế để người dân trực tiếp giám sát các kỳ họp HĐND hoặc cơ chế để Dân Chấm Điểm hoạt động của cơ quan hành chính và hành chính công. Giám sát hoạt động và thái độ phục vụ Nhân dân của các cơ sở y tế công lập, đã góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số quản trị và hành chính công, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh. Rõ ràng trên cơ sở nhìn nhận, kiện toàn, hoàn thiện pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp thì chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng được nâng lên cả về hiệu lực và hiệu quả.
 
img 8108

Một số vấn đề đặt ra:
Thứ nhất, Trong nhiều năm qua quan niệm về tính hệ thống của các cơ quan QLNN vẫn chưa được thống nhất với lý do là cơ quan dân cử cấp trên không phải là cấp trên của cơ quan dân cử cấp dưới. Trong khi đó chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phải được Chủ tịch Quốc hội phê chuẩn và chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn; chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND huyện (xã) phải được Chủ tịch HĐND tỉnh (huyện) phê chuẩn; chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện (xã) phải được Chủ tịch UBND tỉnh (huyện) phê chuẩn mới có hiệu lực thực thi nhiệm vụ.. Nghĩa là phải được cấp trên của hệ thống phê chuẩn, hoặc bổ nhiệm (như hệ thống tư pháp). Mặt khác các hệ thống này đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và đều hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Vì không thừa nhận trên thực tế tính hệ thống nên không có sự phối hợp, chỉ đạo đồng bộ từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND cấp trên đối với Thường trực HĐND cấp dưới làm cho hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trở nên đơn điệu, thiếu gắn kết, thiếu đồng bộ. Đây có thể là một trong những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động của HĐND các cấp thời gian qua. Bước vào nhiệm kỳ mới 2021 – 2026, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực sự quan tâm chỉ đạo xây dựng thiết chế để chỉ đạo, phối hợp giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân nhằm tạo ra sự chuyển biến về chất, phát huy sức mạnh của hệ thống cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, cần có quy định pháp luật để làm tăng tính hợp pháp và hiệu lực của các quyết nghị, kết luận giám sát của các cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân trong việc thi hành pháp luật ở địa phương. Khi vấn đề đã có đủ cơ sở pháp lý và được Hội đồng nhân dân quyết nghị bằng nghị quyết thì hiển nhiên cơ quan thi hành pháp luật phải thực thi chứ không đưa vào ngăn “ tài liệu tham khảo”. Trên thực tế có khá nhiều vấn đề được Hội đồng nhân dân giám sát, kết luận, đưa ra thảo luận ban hành nghị quyết nhưng không được các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện triệt dẫn đến hậu quả về kinh tế xã hội của địa phương và làm xói mòn lòng tin của Nhân dân.

Thứ ba, các cấp ủy Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc hơn nữa bản chất nhà nước của dân, do dân, vì dân; thường xuyên quan tâm, kiện toàn cũng cố tổ chức, bộ máy trong cơ quan dân cử phải thực sự có tâm, có tầm, hoạt động chuyên trách chuyên nghiệp. Bởi vì, trên thực tế lực lượng cán bộ chuyên trách của Hội đồng nhân dân, các ban HĐND là “Bộ tham mưu” chiến lược nên cần có đủ số lượng, nâng cao về chất lượng và phải dành hết thời gian, tâm sức, công sức của mình cho việc nghiên cứu, tham mưu Thường trực HĐND và Hội đồng nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Thực tế ở địa phương nào đội ngũ cán bộ chuyên trách của Hội đồng nhân dân, các ban HĐND hoạt động tích cực, chủ động, linh hoạt thì ở đó vai trò, uy tính của Hội đồng nhân dân, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân được khẳng định.

Thứ: thiết nghĩ để các đại biểu HĐND được cử tri bầu ra luôn nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng, phương pháp công tác, khắc phục những khó khăn, hạn chế, nâng cao trách nhiệm trước công việc, trước cử tri và Nhân dân thì Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu ban hành quy định pháp luật trong việc tổ chức cho cử tri định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm đối với đại biểu ứng cử tại địa bàn; quy định bầu bổ sung, thay thế đại biểu giữa nhiệm kỳ theo tỷ lệ nhất định khi cần thiết để làm cho Hội đồng nhân dân luôn gắn bó mật thiết với cử tri, luôn quyết tâm đổi mới và hành động nhằm góp phần tạo sự chuyển biến đồng bộ trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phòng chống tham nhũng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
 
Bài, ảnh: Thạc sỹ Nguyễn Đức Dũng
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khóa VII

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập106
  • Hôm nay5,495
  • Tháng hiện tại234,909
  • Tổng lượt truy cập6,809,126
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây