Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp của HĐND tỉnh

Chủ nhật - 08/05/2022 05:12 1.564 0
Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân được quy định cụ thể tại Điều 60 của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Đây là một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp HĐND nhằm phát huy dân chủ, nâng cao vai trò, uy tín của HĐND các cấp ở địa phương. Việc chất vấn của đại biểu HĐND đã được quy định tại Điều 96 Luật tổ chức chính quyền địa phương, thông qua hoạt động chất vấn, đại biểu HĐND thể hiện được năng lực, trí tuệ và trách nhiệm của mình trước cử tri, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.
 
Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp của HĐND tỉnh
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trước cử tri và tầm quan trọng của hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, những năm gần đây, HĐND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều đổi mới về hoạt động này. Tại các kỳ họp thường lệ, thời lượng HĐND tỉnh dành cho phiên thảo luận, chất vấn, giải trình chiếm khoảng  ½ thời lượng kỳ họp, trong đó  dành 01 buổi cho phiên thảo luận tổ và từ 01 đến 02 buổi cho phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường. Đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện khá tốt hoạt động thảo luận, chất vấn, số lượng đại biểu tham gia chất vấn ngày càng nhiều và nội dung thảo luận, chất vấn ngày càng sâu, tập trung vào những vấn đề quan trọng của địa phương như: việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đầu tư, đất đai, tài nguyên khoáng sản, ngân sách, các chính sách địa phương dự kiến ban hành...
 
img 0100

Để tạo điều kiện phát huy vai trò, trách nhiệm của các đại biểu trong hoạt động chất vấn, trước mỗi kỳ họp Thường trực HĐND tỉnh giao Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh cung cấp kịp thời, đầy đủ cho đại biểu những tài liệu, thông tin liên quan đến các nội dung kỳ họp để đại biểu có thời gian nghiên cứu chuẩn bị nội dung tham gia chất vấn. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã mở các lớp tập huấn để đại biểu HĐND tỉnh rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng và năng lực hoạt động, của mình, trong đó có kỹ năng chất vấn, thảo luận.
 
img 0031

Tại phiên chất vấn, chủ tọa kỳ họp luôn điều hành linh hoạt, sáng tạo, gợi ý những nội dung trọng tâm, nhóm những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để đại biểu tập trung thảo luận và làm rõ. Các phiên thảo luận và chất vấn đã phát huy dân chủ, trách nhiệm với không khí sôi nổi, thẳng thắn, tranh luận, truy vấn đến cùng vấn đề.

 Sau chất vấn, HĐND tỉnh đã làm rõ trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ quan trọng ở địa phương; đưa ra phương hướng, giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của HĐND tỉnh. Hoạt động chất vấn đã khẳng định vai trò, năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh; một số vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm, bức xúc kéo dài trong nhiều năm từng bước được giải quyết, với mục đích phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

 
img 0039

Bên cạnh mặt tích cực, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh vẫn còn một số tồn tại như: có đại biểu trong suốt cả nhiệm kỳ chưa một lần phát biểu ý kiến chất vấn tại nghị trường; một số ý kiến chất vấn chưa đi sâu vào các vấn đề cụ thể và chưa đưa ra luận cứ thuyết phục, thiếu thông tin về nội dung cần chất vấn; vẫn còn trường hợp chất vấn theo hướng đặt câu hỏi mang tính yêu cầu cung cấp thông tin, làm giảm tác dụng của hoạt động chất vấn; cách trình bày ý kiến chất vấn dài dòng, dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm; một số nội dung chất vấn và tranh luận chưa thật sự sôi nổi, vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm; trả lời chất vấn, giải trình  một số trường hợp còn vòng vo né tránh, chưa tập trung vào trọng tâm của vấn đề; giải trình thường đổ lỗi cho yếu tố khách quan, hoặc trả lời chung chung viện dẫn văn bản, chưa thấy rõ trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao… Việc chất vấn và trả lời chất vấn được ghi vào biên bản kỳ họp nhưng chưa ban hành văn bản có tính pháp lý bắt buộc chấp hành đối với các chủ thể được chất vấn, vì vậy công tác giám sát việc thực hiện lời hứa của chủ thể được chất vấn tại kỳ họp, trước cử tri và Nhân dân gặp khó khăn.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp của HĐND tỉnh, xin nêu ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất,  thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh và nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND. Qua đó cung cấp kỹ năng chất vấn, thảo luận, nâng cao bản lĩnh của người đại biểu HĐND, khuyến khích Đại biểu chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và các vấn đề về kinh tế xã hội trọng điểm, nổi cộm, bức xúc đang diễn ra tại địa phương để thảo luận, chất vấn. Đặt các câu hỏi đặt ra ngắn gọn, dễ hiểu đi thẳng vào vấn đề cần chất vấn, đặc biệt cần yêu cầu đối tượng bị chất vấn xác định rõ trách nhiệm và hướng giải quyết, thời gian giải quyết cụ thể.

Thứ hai, ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp. Nghị quyết phải đảm bảo thể hiện đầy đủ nội dung, kết quả của phiên chất vấn, giao trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong việc giải quyết những vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh chất vấn, yêu cầu thời gian hoàn thành cụ thể để làm căn cứ giám sát việc thực hiện trả lời chất vấn.

Thứ ba, nhóm vấn đề và lựa chọn nội dung chất vấn: Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị nội dung  gợi ý chất vấn gửi đến các Tổ đại biểu hoặc Tổ thảo luận để đại biểu nghiên cứu, thảo luận, lựa chọn kỹ lưỡng các vấn đề lớn, “nóng” tại địa phương trước khi chất vấn tại kỳ họp. Tổ đại biểu cử những người am hiểu về lĩnh vực, nắm rõ nội dung chất vấn, có kỹ năng diễn đạt tốt để tham gia chất vấn tại kỳ họp.

Thứ tư, điều hành phiên chất vấn phải đảm bảo linh hoạt, tạo được không khí dân chủ, cởi mở. Trên cơ sở nắm chắc nội dung, nhóm các vấn đề quan trọng, bức xúc hoặc nổi cộm, Chủ tọa điều hành gợi mở theo hướng một đại biểu chất vấn và nhiều đại biểu cùng tham gia “truy vấn” thảo luận, khuyến khích tái chất vấn, đối thoại, tranh luận đến cùng và kết thúc đúng lúc để những nội dung chất vấn được làm rõ ngay tại kỳ họp trong thời gian ngắn nhất.

Thứ năm, giám sát việc thực hiện Nghị quyết chất vấn, trên cơ sở Nghị quyết đã ban hành, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban HĐND tỉnh có liên quan, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện “lời hứa” sau chất vấn và báo cáo kết quả giám sát với HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất. Để nâng cao trách nhiệm của đối tượng bị chất vấn và đảm bảo vấn đề chất vấn được giải quyết kịp thời, tại kỳ họp HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh báo cáo công tác chỉ đạo thực hiện “lời hứa” chất vấn của kỳ họp trước.

Thứ sáu, làm tốt công tác thông tin, truyền thông đối với các hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp. Tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên chất vấn và thảo luận; thường xuyên đăng tải các phóng sự, phỏng vấn về các nội dung được chất vấn, giải trình, ý kiến đánh giá của cử tri và Nhân dân. Các văn bản, tài liệu, nội dung trả lời chất vấn, giải trình được đăng tải công khai trên Trang TTĐT của HĐND tỉnh cũng như các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để cử tri và Nhân dân cùng theo dõi, giám sát./.

 
Bài, ảnh: Mai Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay4,336
  • Tháng hiện tại233,750
  • Tổng lượt truy cập6,807,967
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây