Hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”

Thứ bảy - 19/03/2022 05:44 1.057 0
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND, ngày 11/01/2016 và Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 13/9/2021 để thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
 
Hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn  và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số  giai đoạn 2015 - 2025”
Sau khi có quyết định của Thủ Tướng chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh ban hành, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp quan trọng, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhờ vậy tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị đã giảm hơn so với thời gian trước đây. Số cặp tảo hôn giai đoạn 2016 - 2020 giảm 445 cặp, kết hôn cận huyết thống giảm 07 cặp so với giai đoạn 2011 - 2015. Sau 05 năm, số cặp tảo hôn giảm được 57 cặp tương đương với 24,6% (năm 2016 là 232 cặp; năm 2021 là 175 cặp) hôn nhân cận huyết thống gần như chấm dứt, 04 năm liền trên địa bàn tỉnh đã không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống. Mặc dù số lượng các cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có giảm so với giai đoạn 2011-2015 nhưng số cặp tảo hôn hàng năm vẫn còn chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng (năm 2016 chiếm 20,5% đến năm 2021 tăng lên 23,2%).
 
Công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của chính quyền địa phương vẫn còn hạn chế. Một số nơi chưa có biện pháp hữu hiệu khi xử lý các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, do đó tỷ lệ này còn chiếm khá cao ở nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
   
 Theo thống kê của ngành y tế, năm 2016 có 232/1131 cặp tảo hôn chiếm tỷ lệ 20,5%; năm 2017 có 240/1098 cặp tảo hôn chiếm tỷ lệ 21,9%; năm 2018 có 191/1107 cặp tảo hôn chiếm tỷ lệ 17,3%; năm 2019 có 220/1137 cặp tảo hôn chiếm tỷ lệ 21,2%; năm 2020 có 212/1037 cặp tảo hôn chiếm tỷ lệ 22,1%; năm 2021 có 175/792 cặp tảo hôn chiếm tỷ lệ 23,2%

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” chưa đạt kết quả như mong muốn đó : do đặc điểm về dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, một số phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa được xóa bỏ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy cơ sở có lúc, có thời điểm chưa được quan tâm; sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa chặt chẽ, thường xuyên; một bộ phận trẻ vị thành niên còn sống buông thả, đua đòi, bị tác động bởi các luồng văn hóa không lành mạnh từ các trang mạng xã hội  dẫn đến những tiêu cực trong quan hệ giới tính.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tạo ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe Bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực. Vì vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một yêu cầu rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế và thực hiện hiệu quả Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số thời gian tới cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung trong thực hiện lồng ghép hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ hủ tục, trong đó có những hủ tục liên quan đến tảo hôn. Xây dựng biên soạn tài liệu tuyên truyền, cung cấp thông tin, sản phẩm truyền thông về hôn nhân và gia đình, về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

Tiếp tục nghiên cứu nhân rộng các mô hình và cách làm sáng tạo trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đồng thời xây dựng các mô hình mới, có hiệu quả tại các xã, thị trấn có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong đó quan tâm xây dựng mô hình điểm tại các trường học. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và k năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ tham gia thực hiện đề án, mô hình.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời quan tâm xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể để đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Bài, ảnh: Mai Linh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay7,262
  • Tháng hiện tại205,205
  • Tổng lượt truy cập9,604,029
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây