Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Thứ ba - 16/07/2024 04:14 203 0
Ngày 10/5/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua phương án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, hiện nay Bộ Nội vụ đang thẩm định để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền.
dvhc1
 
Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2025 được thực hiện đảm bảo quy trình theo luật định và được Nhân dân đồng tình ủng hộ cao; về cơ bản việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt được mục tiêu về quy mô dân số, diện tích, theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động ổn định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể các cấp; nâng cao trình độ, trách nhiệm, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã. Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền, như: Giữ nguyên 10 đơn vị hành chính cấp huyện; Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Linh Hải và xã Gio Sơn để thành lập xã Gio Sơn; Nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thôn Hà Thanh, xã Gio Châu vào xã Gio Quang để thành lập xã Gio Quang; Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Triệu Sơn và xã Triệu Lăng để thành lập xã Triệu Cơ; Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Triệu Vân và xã Triệu An để thành lập xã Triệu Tân; Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên quy mô dân số của xã Hải Quế và xã Hải Ba để thành lập xã Hải Bình; Nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thôn Hà Thượng và thôn Hà Trung, xã Gio Châu vào thị trấn Gio Linh để thành lập thị trấn Gio Linh; Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt để thành lập thị trấn Cửa Việt. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh Quảng Trị có 119 đơn vị hành chính cấp xã (95 xã, 13 phường, 11 thị trấn), giảm 06 đơn vị (06 xã).
 
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Với sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và được sự đồng thuận, ủng hộ cao của Nhân dân nên việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 cơ bản thuận lợi; thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính, nhằm hướng đến các mục tiêu sau:
Một là, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức ĐVHC cấp huyện, cấp xã phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước. Để các xã có quy mô lớn hơn, tạo không gian cho sự phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn, đồng thời sẽ có tác động tích cực trong công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cấp xã.
 
Hai là, trong quá trình sắp xếp ĐVHC tiến hành rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức để có phương án bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp ở ĐVHC mới, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người chưa đạt tiêu chuẩn hoặc hạn chế về năng lực, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ  cán bộ, công chức cấp xã, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ ở địa phương và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
 
Ba là, sau khi sắp xếp ĐVHC mới có quy mô lớn hơn, có không gian để quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành nghề ở địa phương, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thu hút được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp.
 
Bốn là, giảm ĐVHC sẽ tinh giản được số lượng lớn cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách, từ đó giảm chi ngân sách cho đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, giảm được chi phí hành chính, tạo điều kiện để tập trung nguồn lực chi cho đầu tư phát triển.
 
Năm là, sắp xếp ĐVHC cấp xã có quy mô nhỏ thành ĐVHC có quy mô lớn hơn nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được tập trung hơn, tránh việc đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí. Thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
 
Sáu là, khi sắp xếp, ĐVHC mới có điều kiện tăng nguồn nhân lực cho khu vực phòng thủ, cũng như công tác bảo đảm an ninh - quốc phòng trên cơ sở tăng số lượng dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho huy động và sử dụng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ. Tăng cường khả năng bảo đảm kinh tế tại chỗ cho các lực lượng trong khu vực phòng thủ và nâng cao hiệu quả công tác giữ vững an ninh - quốc phòng của địa phương.
 
Bảy là, giảm đầu mối giải quyết thủ tục hành chính, thuận lợi hơn cho người dân;  Xây dựng bộ máy chính quyền địa phương ở cấp xã tinh gọn hơn, hợp lý hơn, đảm bảo hoạt động có hiệu lực hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, đặc biệt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở những địa phương; Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong thực thi công vụ, có trình độ chuyên môn cao từ đó đáp ứng được yêu cầu công việc phục vụ nhân dân được tốt hơn.
 
dvhc2
Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Sở Nội vụ
 
Tuy nhiên sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn sẽ phát sinh những vấn đề sau:

Một là, sau khi sắp xếp, ĐVHC mới có địa bàn rộng hơn, công tác quản lý nhà nước của chính quyền phức tạp hơn, một số địa bàn dân cư nằm cách xa trung tâm hành chính của xã do đó việc nắm bắt tình hình ở các địa bàn dân cư của chính quyền cấp xã sẽ gặp khó khăn. 

Hai là, các vấn đề quản lý mới phát sinh như công tác quy hoạch, tệ nạn xã hội gia tăng, tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội...là những thách thức cho ĐVHC mới thành lập.

Ba là, việc sắp xếp cán bộ, công chức và giải quyết dôi dư do sắp xếp ĐVHC gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ, công chức. Công tác bố trí cán bộ, công chức công tác tại ĐVHC mới cao hơn so với quy định do đó để đảm bảo đúng quy định cần đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình cụ thể cho việc bố trí, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư.

Bốn là, khi sắp xếp ĐVHC cần phải xây dựng, quy hoạch lại cho phù hợp với ĐVHC mới, tạo ra sự tốn kém về ngân sách, ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Năm là, tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức (do xáo trộn và tác động tâm lý đến một số cán bộ, công chức thuộc diện dôi dư do sắp xếp), sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức; tác động đến đời sống của một số bộ phận nhân dân do lối sống, tập quán sản xuất, sinh hoạt và truyền thống văn hóa làng xã.

Sáu là, việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là vấn đề hết sức quan trọng, nhạy cảm, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương, ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, vì vậy việc tuyên truyền, vận động để tạo ra sự đồng tình ủng hộ trong việc triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC gặp nhiều khó khăn.

Bảy là, việc lập “hồ sơ đề án phân loại đô thị đối với thị trấn dự kiến hình thành sau sắp xếp”, trong trường hợp đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã có nội dung thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính ĐVHC đô thị theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 9 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 còn gặp khó khăn do chưa có cơ sở điều chỉnh quy hoạch thị  trấn nên không thể lập hồ sơ phân loại đô thị đối với thị trấn.

Tám là, một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 - 2021 như sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc, cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa chưa giải quyết xong, tạo áp lực lớn cho địa phương trong triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 và giai đoạn tiếp theo.

 
dvhc3
Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa
 
Để nâng cao hiệu quả trong công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn Quảng Trị, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cấp xã trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC.

Hai là, tập trung giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, trong đó tập trung sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc của các xã, thị trấn sau sắp xếp và giải quyết dứt điểm dôi dư cán bộ, công chức cấp xã để giảm áp lực trong triển khai sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Ba là, kịp thời thực hiện chế độ,chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc do dôi dư khi sắp xếp ĐVHC; ngoài chính sách theo quy định của Chính phủ, tiếp tục nghiên cứu, trình HĐND tỉnh xem xét ban hành chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc do dôi dư khi sắp xếp ĐVHC để động viên cán bộ, công chức, viên chức dôi dư tự nguyện nghỉ việc và đảm bảo cuộc sống sau khi nghỉ việc.

Bốn là, chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng sau sắp xếp ĐVHC, giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tinh giản biên chế do dôi dư khi sắp xếp ĐVHC.

Năm là, cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị bao gồm cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tạo khối đoàn kết và phát huy sức mạnh tập thể; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy. Xây dựng kế hoạch thực hiện có lộ trình thời gian cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện, phân rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Sáu là, rà soát đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, tiêu chí thành lập; quy hoạch mạng lưới,... để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phù hợp với các quy định của Chính phủ, hướng dẫn của bộ, ngành và điều kiện thực tiễn tại địa phương. Gắn việc sắp xếp tổ chức bộ máy với việc cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức; tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026.

Bảy làđẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, rà soát ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ; ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền thực hiện xã hội hóa, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, nhất là dịch vụ sự nghiệp giáo dục; có chính sách thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc thành lập trường mầm non, phổ thông ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.

Tám là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập; việc quản lý, sử dụng số lượng người làm việc; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và tổ chức thực hiện các nội dung khác về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong quá trình sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính có liên quan./.
Bài, ảnh: Phạm Văn Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 258 trong 52 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 52 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay3,927
  • Tháng hiện tại69,985
  • Tổng lượt truy cập9,793,461
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây