Một số nội dung giao địa phương cấp tỉnh quy định chi tiết theo quy định của Luật Đất đai năm 2024

Chủ nhật - 18/08/2024 23:53 57 0
Luật Đất đai có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều Luật khác có liên quan.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật Đất đai, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân. Ngày 18/1/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15). Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương với 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013 và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đã thể chế hóa đầy đủ 05 quan điểm, 03 mục tiêu, 06 nhóm giải pháp và 08 chính sách lớn trong hoàn thiện pháp luật đất đai đã được định hướng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế nhiều nội dung mới mang tính chất đột phá quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với dân tộc thiểu số; điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai; giám sát, theo dõi, đánh giá việc quản lý, sử dụng đất. Luật đất đai năm 2024 đã cơ bản giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết, thi hành Luật Đất đai năm 2013; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu phát huy cao nhất nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
 
luatdatdai1
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai Luật, Nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
 
Luật Đất đai 2024 đã quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của chính quyền địa phương và giao chính quyền địa phương quy định chi tiết đối với nhiều nội dung quan trọng như sau:

Thứ nhất: Đối với HĐND cấp tỉnh ban hành:  

(1) Ban hành chính sách địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương được nêu tại khoản 6 Điều 16 của Luật;

(2) Quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương được nêu tại điểm a, khoản 1, Điều 126 của Luật;

(3) Quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01/1/2026 và quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01/1 của năm tiếp theo được nêu tại khoản 3, Điều 159 của Luật.

Thứ hai: Đối với UBND cấp tỉnh ban hành:

(1) Quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số theo quy định tại khoản 3 Điều 16 {khoản 5 Điều 16 của Luật};

(2) Ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, nhà ở, công trình xây dựng quy định tại Điều 102 để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất {khoản 4 Điều 102 của Luật};

(3) Quy định mức bồi thường thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác mà không thể di chuyển {khoản 4 Điều 103 của Luật};

(4) Ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi {khoản 6 Điều 103 của Luật};

(5) Quy định mức bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt, bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt {khoản 2 Điều 104 của Luật};

(6) Căn cứ cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định và điều kiện thực tế tại địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với từng đối tượng được hỗ trợ quy định tại khoản 2, 3 Điều 109 {khoản 4 Điều 109 của Luật};

(7) Quy định mức hỗ trợ, đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất bằng tiền {khoản 5 Điều 109 của Luật};

(8) Quy định thời gian được bố trí vào nhà ở tạm và mức hỗ trợ tiền thuê nhà ở trong thời gian chờ bố trí tái định cư và cơ chế thưởng đối với người có đất thu hồi bàn giao mặt bằng trước thời hạn {khoản 7 Điều 111 của Luật};

(9) Quy định chi tiết về suất tái định cư tối thiểu {khoản 10 Điều 111 của Luật};

(10) Quy định giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993 để xét cấp giấy chứng nhận {khoản 1 Điều 137 của Luật};

(11) Quy định cụ thể hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 1,2 Điều 141 đối với trường hợp sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 {khoản 5 Điều 141 của Luật};

(12) Quy định hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân để đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt {khoản 5 Điều 176 của Luật};

(13) Quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân {khoản 3 Điều 177 của Luật};

(14) Quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại nông thôn {khoản 2 Điều 195 của Luật};

(15) Quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị {khoản 2 Điều 196 của Luật};

(16) Quy định hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh {khoản 4 Điều 213 của Luật};

(17) Quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất {khoản 4 Điều 220 của Luật}.

 
luatdatdai2
Đ/c Hà Sỹ Đồng, UVTV Tỉnh ủy, PCT Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị
 
Sau khi Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua, hiện nay Chính phủ đang tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo đảm khi Luật có hiệu lực thi hành thì hệ thống pháp luật đất đai đã bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Theo đó, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh cần phải chủ động trong việc xây dựng kế hoạch cụ thể, kịp thời để triển khai các nội dung theo thẩm quyền do Luật Đất đai quy định. Với một hệ thống pháp luật đất đai được hoàn thiện sẽ góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và địa phương trong giai đoạn mới.


Bài, ảnh: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập63
  • Hôm nay12,196
  • Tháng hiện tại174,805
  • Tổng lượt truy cập9,127,885
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây