Tập trung triển khai thi hành một số Luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XV thông qua.

Thứ năm - 22/08/2024 05:10 53 0
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật. Có thể nói công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng được quan tâm thực hiện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm quốc phòng an ninh.
trienkhailuat1
 
Nhiều Luật và Nghị quyết quan trọng được Quốc hội thông qua

Trong tổng số các luật và nghị quyết thông qua tại kỳ họp thứ 7, có 11 luật, 12 nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết để tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Luật lưu trữ,  Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, Luật Bảo hiểm xã hội, … Một số nghị quyết quan trọng về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Nghị quyết về xây dựng chương trình pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024,… Trong số 11 luật và 12 nghị quyết nêu trên có 01 luật có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024, 07 luật, 02 nghị quyết có hiệu lực thi thành từ 01/01/2025, 03 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, còn lại có hiệu lực thi hành kể từ ngày Quốc hội thông qua. Đây là kỳ họp có số lượng luật, nghị quyết được thông qua lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ với nhiều dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của đa số người dân và doanh nghiệp. Nội dung của Luật, nghị quyết bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, với nhiều chính sách mới, quan trọng như việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ, Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ…); thúc đẩy sự phát triển kinh tế gắn với sự bền vững của chính sách xã hội ( Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật đấu giá tài sản, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản…); thể chế hóa kịp thời một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại (Luật Đường bộ); hoàn thiện cơ sở pháp lý với cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ đô Hà Nội, và một số địa phương như tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghệ An…. Nhiều dự án luật như Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và các Luật tổ chức tín dụng được Chính phủ đề xuất soạn thảo, trình tự thủ tục rút gọn với mục tiêu nhằm sớm đưa quy định của các Luật này vào cuộc sống, khắc phục những tồn tại, hạn chế như trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư công, dự án bất động sản, dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Về quy trình thủ tục mặc dù rút gọn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng trình Quốc hội thông qua đúng tiến độ.

 
trienkhailuat2
 
“Quyết tâm cao, nổ lực lớn, hành động quyết liệt”

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đối với các địa phương tại phiên họp trực tuyến về Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của QH khóa XV đối với các địa phương vào sáng ngày 30/7/2024. Để thực hiện được yêu cầu về việc “pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” thì công tác triển khai phải được thực hiện đồng bộ. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu trước hết cần quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương… Vì vậy, các Các địa phương cần chủ động triển khai xây dựng kế hoạch. Chủ động báo cáo, đề xuất, phân công trách nhiệm để tổ chức thực hiện. Tập trung nguồn lực tiến hành xây dựng, ban hành các văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ. Tổ chức tuyên truyền, phố biến, quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của văn bản luật cho cán bộ công chức, viên chức. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và đội ngũ báo cáo viên là chuyên gia theo ngành, lĩnh vực. Tổ chức hướng dẫn giải thích, cung cấp đầy đủ thông tin liên quan trực tiếp đến các vụ việc đang giải quyết, chủ động nắm bắt, theo dõi, tháo gỡ các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Quan tâm bố trí hợp lý nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, biên chế và các điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng, ban hành các văn bản chi tiết.

Đối với chính quyền địa phương, trong đó có trách nhiệm của HĐND và UBND cần quy định chi tiết, kịp thời. Đối với các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương phải ban hành văn bản để quy định 08 nội dung được giao tại Luật đường bộ và Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ví dụ như, điểm c, khoản 4, điều 8, về phân loại đường bộ theo cấp quản lý, UBND tỉnh có trách nhiệm quản lý các loại đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn; Về kết nối giao thông quy định tại điều 30 thì UBND tỉnh quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận thiết kế và trình tự, thủ tục cấp phép thi công nút giao đối với đường địa phương khác đang khai thác…. Tại điều 57, HĐND tỉnh căn cứ vào nguồn lực địa phương quyết định hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện xe buýt; hỗ trợ kinh phí hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thông qua chính sách miễn, giảm giá vé;… Đối với Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, tại điều 35 giao thẩm quyền cho UBND tỉnh quy định phạm vi hoạt động của xe thô sơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ tại địa phương…
Riêng đối với HĐND thành phố Hà Nội phải ban hành để quy định chi tiết 41 nội dung được giao tại Luật Thủ đô; HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng, phải ban hành văn bản để quy định chi tiết 15 nội dung để thực hiện Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ sở, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; HĐND, UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản để quy định 06 nội dung được giao về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, đối với các nhóm luật có hiệu lực sớm từ 01/8/2024, HĐND, UBND phải ban hành quy định 18 nội dung được giao tại Luật đất đai và 07 nội dung được giao tại Luật nhà ở. Như theo khoản 3 Điều 159 Luật đất đai 2024, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trong năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. (Theo khoản 1 Điều 114, Luật đất đai 2013, Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ).

Như tinh thần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định xây dựng pháp luật là đầu tư cho phát triển vì vậy việc sớm triển khai thi hành luật, nghị quyết khẩn trương, sớm đi vào cuộc sống sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để năng lực các chủ thể phát huy đúng vai trò, tạo cơ chế chính sách để phân bổ mọi nguồn lực của đất nước, tạo lập sân chơi lành mạnh, minh bạch, công khai; tạo lập khuôn khổ pháp luật phù hợp để hội nhập kinh tế quốc tế; tạo lập cơ chế vận hành kiểm sát quyền lực trong xây dựng và thực thi pháp luật.


Bài, ảnh: Hoàng Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay12,196
  • Tháng hiện tại174,964
  • Tổng lượt truy cập9,128,044
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây