Sớm nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc vì dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2030.

Thứ tư - 31/07/2024 04:30 248 0
Để khuyến khích cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư và thôi việc liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết 832/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 quy định chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thôi việc do dôi dư; Nghị quyết số 49/2020/NQ-HĐND ngày 23/7/2020 quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã thôi việc hoặc bố trí lại chức danh người hoạt động không chuyên trách do dôi dư khi sắp xếp tổ chức, bộ máy đặc biệt là Nghị quyết số 88/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 (Nghị quyết số 88/2022/NQ-HĐND) quy định hỗ trợ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, thị trấn nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc ngay vì dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Qua gần 02 năm thực hiện, riêng Nghị quyết số 88/2022/NQ-HĐND đã hỗ trợ, khuyến khích 11 cán bộ, công chức cấp xã tinh giản biên chế được hưởng chính sách của Nghị quyết, tổng kinh phí chi trả hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 88/2022/NQ-HĐND là 1.164.000.000 đồng (bình quân mỗi người được hỗ trợ 116 triệu đồng).
baicscbcc1
Ban Pháp chế khảo sát tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng
 
Ngày 10/5/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua phương án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, hiện nay Bộ Nội vụ đang thẩm định để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền. Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2025 được thực hiện đảm bảo quy trình theo luật định và được Nhân dân đồng tình ủng hộ cao; về cơ bản việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt được mục tiêu về quy mô dân số, diện tích, theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động ổn định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể các cấp; nâng cao trình độ, trách nhiệm, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã. Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền, như: Giữ nguyên 10 đơn vị hành chính cấp huyện; Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Linh Hải và xã Gio Sơn để thành lập xã Gio Sơn; Nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thôn Hà Thanh, xã Gio Châu vào xã Gio Quang để thành lập xã Gio Quang; Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Triệu Sơn và xã Triệu Lăng để thành lập xã Triệu Cơ; Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Triệu Vân và xã Triệu An để thành lập xã Triệu Tân; Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên quy mô dân số của xã Hải Quế và xã Hải Ba để thành lập xã Hải Bình; Nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thôn Hà Thượng và thôn Hà Trung, xã Gio Châu vào thị trấn Gio Linh để thành lập thị trấn Gio Linh; Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt để thành lập thị trấn Cửa Việt. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh Quảng Trị có 119 đơn vị hành chính cấp xã (95 xã, 13 phường, 11 thị trấn), giảm 06 đơn vị (06 xã).

Khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Trị dự kiến dôi dư 110 cán bộ, công chức cấp xã (50 người thôi việc, 60 người nghỉ hưu trước tuổi) và 60 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư. Chưa tính đến giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sẽ nhiều hơn, vì hiện nay số đơn vị hành chính cấp xã nằm trong tiêu chí thuộc diện phải sắp xếp tương đối nhiều; trong khi đó Nghị quyết số 88/2022/NQ-HĐND chỉ có hiệu lực thực hiện đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập giai đoạn 2019-2021, Nghị quyết hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024 và trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 88/2022/NQ-HĐND còn gặp những khó khăn, vướng mắc như:

Một là, chính sách hỗ trợ của Nghị quyết được tính theo thời gian công tác có đóng BHXH, nên chỉ khuyến khích đối với người có thời gian công tác lâu năm.

Hai là, đa số cán bộ, công chức thuộc chức danh dôi dư tuổi đời còn trẻ, đủ điều kiện, tiêu chuẩn, vì vậy số lượng người có nguyên vọng thôi việc không nhiều, nên gặp khó khăn trong vận động tinh giản biên chế, giải quyết dôi dư cán bộ, công chức.

Ba là, do đối tượng áp dụng Nghị quyết chỉ là cán bộ, công chức thuộc chức danh dôi dư ở các xã, thị trấn sắp xếp đơn vị hành chính, vì vậy số lượng cán bộ, công chức đủ điều kiện hưởng chính sách ít.

Bốn là, Nghị quyết quy định kinh phí thực hiện chính sách do ngân sách cấp huyện đảm bảo, đa số ngân sách cấp huyện rất khó khăn, vì vậy một số huyện không có kinh phí để thực hiện chính sách theo quy định.

 
baicscbcc2
Ban Pháp chế khảo sát tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa
 
Những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 88/2022/NQ-HĐND và việc nghiên cứu ban hành Nghị quyết mới liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư vì sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính là vấn đề cần được đặt ra, quan tâm xem xét vì công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính có tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, tác động đến đời sống của một số bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị quyết số 35 /2023/UBTVQH15  ngày 12/7/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, có quy định: “Ngoài các chế độ, chính sách quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn”; Điểm g, khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế: “Trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ thêm đối với đối tượng tinh giản biên chế”. Vì vậy, cần thiết phải ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tinh giản biên chế (nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc) vì dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2030 thay thế Nghị quyết số 88/2022/NQ-HĐND là cần thiết, nhằm kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc để góp phần giải quyết lực lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030. Việc Hội đồng nhân dân tỉnh nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030 là cần thiết nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc, mục tiêu sau:

Một là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện. Thống nhất nhận thức, hành động trong các cơ quan, tổ chức và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Bảo đảm nguyên tắc Đảng quy định quản lý thống nhất biên chế của cả hệ thống chính trị trong quá trình sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn.

Hai là, thực hiện tinh giản biên chế phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đi đôi với cải cách tiền lương và đổi mới tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cần xem xét, mở rộng đối tượng áp dụng của Nghị quyết theo hướng đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức ở xã, thị trấn nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc ngay theo chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ.

Ba là, tập trung rà soát để kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Rà soát, sắp xếp kiện toàn mô hình tổ chức của bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; xóa bỏ các tổ chức trung gian và sớm hợp nhất các chi cục… nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế hành chính - sự nghiệp.

Bốn là, đẩy mạnh xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp công lập, phân cấp mạnh hơn nữa, giao quyền tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình. Từ đó, tiến tới tự chủ chi thường xuyên và tự chủ hoàn toàn, hoạt động như doanh nghiệp. Xác định tinh giản biên chế là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi đơn vị, quyết liệt xây dựng các giải pháp phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị.

Năm là, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự, đối tượng tinh giản biên chế theo quy định hiện hành; gắn kỷ cương, kỷ luật hành chính với thực hiện tinh giản biên chế, áp dụng các biện pháp xử lý đối với việc thực hiện không nghiêm chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước về tinh giản biên chế.

Sáu là, việc ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính phải công bằng giữa các đối tượng, thống nhất về mức hỗ trợ, đảm bảo quy định của pháp luật và điều kiện khả năng ngân sách của địa phương từ đó tạo sự đồng thuận cao của các cấp chính quyền nhằm động viên, khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để góp phần giải quyết dôi dư cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Bảy là, nghiên cứu quy định cụ thể về nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức ở các xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030 hoặc quy định rõ nguồn kinh phí do ngân sách của tỉnh bảo đảm vì thực tế hiện nay ngân sách cấp huyện rất khó khăn để thực hiện chính sách theo quy định./.

 
Bài, ảnh: Phạm Văn Phúc
 

Tổng số điểm của bài viết là: 185 trong 37 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 37 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập55
  • Hôm nay12,196
  • Tháng hiện tại174,933
  • Tổng lượt truy cập9,128,013
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây