Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Thứ ba - 26/03/2024 00:05 175 0
Quảng Trị có vị trí địa kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thuỷ, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia; đặc biệt có tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN. EWEC được Chính phủ Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) quan tâm đầu tư. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 8.393,16 km đường bộ, bao gồm các tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh cùng với hệ thống đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn.
 
image001 1
Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại Ban ATGT thành phố Đông Hà năm 2023
 
Trong những năm qua, các tuyến quốc lộ được đầu tư nâng cấp, các tuyến đường tỉnh, đường huyện nối các trung tâm phát triển được nhựa hóa, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đi lại của Nhân dân. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông và các văn bản chỉ đạo bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ, các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng, các đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp tết dương lịch, nguyên đán. Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hướng đến từng đối tượng, địa bàn cụ thể; có sự chuẩn bị, biên soạn đề cương phù hợp; nhất là các đối tượng thường gây tai nạn giao thông và các địa bàn thường xảy ra tai nạn giao thông, là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biển ít có điều kiện tìm hiểu pháp luật; là thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên để tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, thích hợp: Trong hai năm (2021, 2022), Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, Sở GTVT đã phối hợp với UBND, Ban ATGT, Công an các huyện, thành phố, thị xã tổ chức 130 lượt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho 58.000 lượt giáo viên, học sinh và Nhân dân trên địa bàn. Duy trì, nhân rộng và triển khai các mô hình ATGT tại các địa phương, điển hình như mô hình “An toàn giao thông” tại TP Đông Hà, “Cổng trường ATGT” tại huyện Hải Lăng, huyện Đakrông, huyện Gio Linh, mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” tại huyện Triệu Phong; Đài Phát thành - Truyền hình Quảng Trị tổ chức 26 chương trình phát thanh trực tiếp vào lúc 17h00 thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, đã được thính giả nghe đài theo dõi và tương tác đạt hiệu quả cao; Phát hơn 7.200 tờ rơi tuyên truyền cho các chủ xe, lái xe, hộ dân sinh sống dọc các tuyến giao thông. Tổ chức chương trình “Xuân yêu thương năm 2022” tuyên truyền, phổ biến pháp luật kết hợp tặng quà cho 05 trường học trên địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đakrông nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc, tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng. Xây dựng 283 phóng sự, tin, bài, hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình TTATGT và công tác triển khai thực hiện của lực lượng cảnh sát giao thông.
Mặc dù vậy tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp do một số nguyên nhân sau:
Một là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập; việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền còn thiếu đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả chưa cao; cán bộ làm công tác tuyên truyền chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ truyền thông nên gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền; kinh phí bố trí cho hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn rất thấp so với nhu cầu thực tế.
Hai là, nguồn ngân sách theo phân cấp chưa đáp ứng với nhu cầu đầu tư xây dựng công trình, dự án để phục vụ phát triển hạ tầng giao thông, bảo trì, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của vận tải trong đó có vận tải đường bộ. Các nguồn vốn bố trí chỉ đáp ứng được khoảng 60% định mức tiêu chuẩn kỹ thuật bảo trì bảo dưỡng nên nhiều tuyến đường địa phương hư hỏng chưa được xử lý triệt để. Một số tuyến đường huyện, đường xã hư hỏng, cử tri nhiều địa phương kiến nghị nhưng chưa được bố trí vốn nâng cấp, sửa chữa khắc phục đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Các nguồn khắc phục thiên tai bố trí chậm, kéo dài làm ảnh hưởng đến việc khắc phục, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều hạn chế, bất cập khi áp dụng các quy định về đền bù, bồi thường, h trợ. Tình trạng cấp đất, quản lý đất dành cho hành lang an toàn giao thông đường bộ của nhiều địa phương còn bất cập, hạn chế, chưa được xử lý kịp thời, quyết liệt dẫn đến các vụ vi phạm có xu hướng gia tăng.


 
image002 1
Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại Ban ATGT huyện Hải Lăng năm 2023

Ba là, một số điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông chưa được xử lý triệt để. Sự gia tăng nhanh của các phương tiện giao thông trong khi hạ tầng giao thông vận tải phát triển chưa tương xứng dẫn đến phát sinh thêm các điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông tại một số điểm đấu nối, ngã ba, ngã tư, nơi có mật độ tham gia giao thông cao nhưng không có đèn tín hiệu chỉ huy giao thông hoặc không có biển báo cảnh báo nguy hiểm.
Bốn là, việc đầu tư xây dựng và cắm mốc lộ giới được thực hiện sau, nên một số tuyến đường, công trình giao thông vẫn tồn tại nhiều nhà cửa, vật kiến trúc trong hành lang an toàn giao thông đường bộ. Một số công trình giao thông đường bộ được nâng cấp mở rộng chỉ giải phóng đến mặt bằng thi công, trong lúc hành lang an toàn giao thông đường bộ cũng mở rộng theo cấp đường, nhưng hệ thống mốc lộ giới vẫn giữ nguyên nên hành lang bị thu hẹp; khi cắm lại mốc lộ giới theo cấp đường mới thì phần hành lang an toàn giao thông đường bộ không được thu hồi, đền bù, dẫn đến bất cập trong xác định phạm vi và công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ; nhiều nhà ở, lều quán nằm ngoài mốc chỉ giới nhưng khi công trình mở rộng lại nằm trong phạm vi hành lang ATGT đường bộ.
Năm là, thông tin quy hoạch về mặt cắt ngang quản lý của tuyến còn thiếu, chưa đến với người dân sinh sống ven đường; việc phổ biến pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ chưa thường xuyên và sát với đối tượng cần tuyên truyền; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông của một bộ phận nhân dân sinh sống dọc hai bên đường chưa cao.
Sáu là, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chưa triệt để, chưa đảm bảo khép kín địa bàn, thời gian, nhất là giờ cao điểm nên việc xử lý, răn đe, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế, thiếu kịp thời; việc triển khai xử lý “phạt nguội” trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính còn chậm, thiếu đồng bộ và có vướng mắc về quy định pháp luật; một bộ phận người dân tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát còn thiếu, phần lớn đã cũ, hoạt động chưa hiệu quả. Tai nạn giao thông tuy đã được kiềm chế nhưng chưa bền vững, số người chết hàng năm vẫn còn cao.
Bảy là, kho, bãi giữ phương tiện giao thông vi phạm còn thiếu, chưa đảm bảo; lực lượng công an cấp huyện chưa được trang cấp cân tải trọng nên khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý xe quá tải. Chưa có quy hoạch, bố trí quỹ đất, mặt nước cho lực lượng công an tỉnh xây dựng trạm kiểm soát bến thủy nội địa của lực lượng công an nên khó khăn trong việc neo, giữ phương tiện phục vụ cứu hộ, cứu nạn. 



 
image003
Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại Công an tỉnh năm 2023

Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới, cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội, Ủy ban nhân dân các cấp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT.
Hai là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang ATGT. Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Ba là, tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải… Phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân. Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung ở thành phố, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch.
Bốn là, tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên,... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông. Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ.
Năm là, tập trung tham gia rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về TTATGT đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, trọng tâm là tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ và các dự thảo luật có liên quan theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền.
Sáu là, tổ chức thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch khác có liên quan của tỉnh; nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức và tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, đồng bộ gắn với việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hành lang ATGT. Tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 và các văn bản quy định, hướng dẫn của cơ quan trung ương, bộ ngành có liên quan.
Bảy là, cân đối nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT đồng thời tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông khoa học, hợp lý tại khu vực thành phố, trị trấn, nơi đông dân cư; tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự đô thị, quản lý lòng đường, hè phố, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra tai nạn giao thông…; phát triển khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông vận tải, Công an, Y tế và các ngành có liên quan theo quy định; huy động, sử dụng linh hoạt các nguồn lực để tăng cường năng lực cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT; năng lực cứu nạn, cứu hộ, cứu chữa nạn nhân./.
  Bài, ảnh Phạm Văn Phúc

 
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 390 trong 78 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 78 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay16,051
  • Tháng hiện tại422,120
  • Tổng lượt truy cập7,383,965
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây