Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Thứ sáu - 05/05/2023 04:44 868 0
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh là văn bản pháp lý quan trọng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; là sản phẩm quan trọng của mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân nhằm cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn quản lý nhà nước ở địa phương. Khi một nghị quyết được ban hành sẽ tác động đến nhiều đối tượng, nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tác động đó có thể là tích cực hoặc tiêu cực, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó chất lượng nghị quyết là một vấn đề rất quan trọng.
 
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị.
                                                             Toàn cảnh kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tổ chức thành công 16 kỳ họp, ban hành 261 nghị quyết, trong đó có 67 nghị quyết quy phạm pháp luật. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương để tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đăc biệt, có nhiều nghị quyết đã phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, như nghị quyết liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục; phát triển du lịch; sắp xếp các đơn vị hành chính; chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn; chính sách đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; giữ gìn trật tự an toàn xã hội…
 
image002
Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Đông Hà
 
Có thể khẳng định, trong những năm qua việc xây dựng và ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn đảm bảo quy trình theo luật định, phù hợp với thực tiễn, điều kiện kinh tế xã hội và khả năng ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc rà soát các nội dung quy định được giao trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đối với một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có lúc chưa kịp thời; một số nội dung giao cho địa phương quy định chi tiết, đã có hiệu lực nhưng chậm tham mưu hoặc chưa tham mưu để ban hành nghị quyết thực hiện; việc đánh giá tác động chính sách đôi khi chưa được cơ quan chuyên môn tham mưu chú trọng; việc xây dựng đề xuất ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật còn thiếu thông tin, nội dung chưa cụ thể; bố cục, cú pháp chưa đảm bảo chặt chẽ, thiếu thống nhất và thiếu căn cứ pháp lý … Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã quy định chi tiết, nhưng một số cơ quan chủ trì soạn thảo còn xem nhẹ việc tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động; việc lấy ý kiến tham gia góp ý đối với dự thảo nghị quyết trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh chưa được nhiều người quan tâm. Đặc biệt có một số hồ sơ dự thảo nghị quyết chưa thuyết minh cụ thể dự kiến nguồn lực để thực hiện; còn có hồ sơ dự thảo nghị quyết đề xuất rất gấp, cận kề ngày họp Hội đồng nhân dân; văn bản gửi thẩm tra chưa đúng thời gian quy định nên gây khó khăn cho việc thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Từ thực tiễn trong những năm qua, xin đề xuất một số giải pháp để nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh
 
image003 1
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tại Tòa án nhân dân tỉnh
 
Một là, việc xây dựng và ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cần phải xây dựng danh mục nghị quyết ban hành hằng năm, cả nhiệm kỳ để chủ động trong việc sắp xếp, tổ chức kỳ họp và phân bổ đủ nguồn lực thực hiện nghị quyết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Hai là, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của sở, ban, ngành trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực tiễn; thu thập thông tin; các mục tiêu đề ra phải sát thực tế, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và khả năng ngân sách của địa phương. Đặc biệt phải chú trọng và làm tốt việc tham vấn ý kiến của nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động khi ban hành chính sách để nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội.
Ba là, để góp phần nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND, các đại biểu phải nâng cao kiến thức chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng cần thiết; nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mình, xác định rõ trách nhiệm trước cử tri và trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu cần dành thời gian thỏa đáng để thu thập thông tin, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, chuẩn bị ý kiến thảo luận chu đáo để tham gia ý kiến thảo luận tại kỳ họp. Thực tế cho thấy, chỉ khi đại biểu HĐND hiểu chính xác, nắm rõ vấn đề, nêu rõ quan điểm của mình thì HĐND mới có được những quyết định đúng và nghị quyết được thông qua có hiệu lực, hiệu quả cao giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bốn là, các Ban của HĐND tỉnh cần tăng cường công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết; chủ động tham gia ngay từ đầu quá trình chuẩn bị xây dựng dự thảo nghị quyết; tham gia các cuộc họp bàn về nội dung dự thảo; các hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, của Nhân dân. Như vậy, sẽ giúp cho các Ban có thêm cơ sở để tham gia xây dựng báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Khi thẩm tra cần thực hiện đúng quy trình trong thẩm tra dự thảo nghị quyết; các dự thảo nghị quyết, tài liệu có liên quan đến nội dung thẩm tra cần được gửi sớm để thành viên của Ban có nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, thu thập thông tin; sắp xếp thời gian khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động... từ đó, trao đổi với cơ quan soạn thảo để chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, sớm báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh những vấn đề còn có ý kiến khác nhau nhằm thuận tiện trong công tác điều hành khi thông qua các dự thảo nghị quyết tại kỳ họp.
Năm là, hằng năm Hội đồng nhân dân tỉnh phải bố trí đủ kinh phí liên quan đến công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Nghị quyết số 30/2023/NQ-HĐND ngày 28/3/2023 “Quy định mức phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, vừa mới được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 16 nhằm đảm bảo nguồn kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định hiện hành.
Sáu là, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND cần tăng cường hoạt động giám sát việc triển khai, thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân đã được ban hành để kiểm chứng hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết và kịp thời sửa đổi, ban hành các chính sách mới, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên theo quy định của pháp luật./.
 
Bài, ảnh Phạm Văn Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 131 trong 27 đánh giá

Xếp hạng: 4.9 - 27 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập65
  • Hôm nay21,766
  • Tháng hiện tại234,188
  • Tổng lượt truy cập9,187,268
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây