Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Trị không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề

Thứ sáu - 09/04/2021 06:26 1.003 0
Giám sát là một trong những chức năng quan trọng, cơ bản, thường xuyên của Hội đồng nhân dân (HĐND), thường trực và các ban của HĐND, vì vậy Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã rất chú trọng đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát từ khâu lựa chọn nội dung, lĩnh vực giám sát đến hình thức, cách thức giám sát, phát huy và thực hiện tốt chức năng giám sát nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
 
Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Trị không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức 11 đợt giám sát, khảo sát chuyên đề, làm việc trực tiếp với 65 cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua giám sát cho thấy tại khu vực miền núi hầu hết các chính sách được thực hiện hiệu quả, đúng mục tiêu, kịp thời, đúng tiến độ, góp phần xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kinh tế, xã hội và phát triển đời sống cho đồng bào miền núi.

Nội dung giám sát của Ban được thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực liên quan đến việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước do Trung ương ban hành nhằm mục tiêu hỗ trợ cho vùng miền núi và hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thực hiện xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Các nội dung Ban lựa chọn giám sát là các vấn đề được đa số cử tri người đồng bào dân tộc thiểu số rất quan tâm như: Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình 135; chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể và các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình ma túy vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị.

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng giám sát, bên cạnh hình thức giám sát qua văn bản, Ban đã đến từng địa phương, nghe UBND các huyện, xã, các cơ quan đơn vị liên quan báo cáo tình hình triển khai, thực hiện chính sách và về tận các bản làng, trực tiếp tiếp nhận, nắm bắt thông tin đối với việc thụ hưởng những chính sách, đồng thời lắng nghe bà con phản ánh tâm tư nguyện vọng và trao đổi những đề xuất, giải pháp để địa phương thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Qua giám sát Ban đã kịp thời phát hiện những vấn đề còn vướng mắc, bất cập, những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách. Trên cơ sở phân tích, tổng hợp, chọn lựa kiến nghị, giải pháp, những cách làm mới, các phương pháp hiệu quả, phù hợp với thực tiễn nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách dân tộc, miền núi Ban đã đưa ra những nhận định toàn diện và đề xuất các kiến nghị xác đáng, đáp ứng được lòng mong mỏi của cử tri miền núi và bà con vùng dân tộc thiểu số. Hầu hết các kiến nghị giám sát, đều được đơn vị chịu sự giám sát và các cấp chính quyền địa phương liên quan nghiêm chỉnh tiếp thu, giải quyết, khắc phục hạn chế để thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc chú trọng đến nội dung, hình thức, phương thức giám sát Ban còn phát huy tác dụng của công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng giám sát. Tất cả các buổi làm việc phục vụ cho công tác giám sát của Ban đều mời các cơ quan báo chí đưa tin, tuyên truyền và được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của HĐND tỉnh. Nhằm cung cấp cứ liệu thực tế sống động bằng hình ảnh phục vụ cho giám sát, để những kiến nghị đề xuất của Ban có tính thuyết phục cao Ban còn tổ chức xây dựng các phóng sự truyền hình chuyên đề phát trên Đài truyền hình Quảng Trị và phát tại các kỳ họp như: Phóng sự phòng học tạm, phòng học mượn,phòng học xuống cấp và nhà ở công vụ cho giáo viên miền núi; phóng sự xây dựng mạng lưới giao thông vùng đặc biệt khó khăn. Những phóng sự này đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều cử tri và đại biểu, đồng thời cũng là động lực để những chính sách mới của tỉnh được sớm ban hành nhằm đáp ứng được lòng mong mỏi của cử tri khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số như Nghị quyết số 34/2018/NQ-HĐND ngày 08/12/2018 về việc thông qua Đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.


 
image117

Bên cạnh việc thực hiện các đợt giám sát theo kế hoạch hoạt động, Ban đã phối hợp tốt với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh và các Ban Đảng của Tỉnh ủy trong các hoạt động giám sát, khảo sát những vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tiễn nhiệm kỳ qua, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát chuyên đề về chính sách dân tộc, Ban rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, muốn giám sát đạt chất lượng, hiệu quả, trước hết phải nghiên cứu k các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh liên quan đến chính sách dân tộc; các báo cáo giám sát để phát hiện những hạn chế, bất cập, vướng mắc về chính sách dân tộc; thu thập nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau để tiến hành giám sát, không lệ thuộc vào báo cáo giám sát. Lựa chọn nội dung giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, ưu tiên những vấn đề nổi cộm, bức xúc thông qua phản ánh của dư luận, thông tin, báo chí, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân.

Thứ hai, sau giám sát chuyên đề, ngoài báo cáo kết quả giám sát, cần ban hành riêng các văn bản gửi tới các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương kiến nghị, yêu cầu giải quyết những vấn đề sau giám sát mà đoàn đã nêu trong báo cáo kết quả giám sát, kịp thời giúp các cơ quan thực hiện chính sách dân tộc chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế cũng như giải quyết được nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập.

Thứ ba, hằng năm cần xây dựng kế hoạch thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan giám sát thực hiện các kiến nghị, yêu cầu của đoàn giám sát; đồng thời tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị, yêu cầu của đoàn giám sát liên quan đến chính sách dân tộc.

Thứ tư, chủ động phối hợp với các Ban của HĐND tỉnh, các ban Đảng của Tỉnh uỷ và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát nhằm tận dụng kết quả giám sát của nhau, đồng thời tránh sự chồng chéo về nội dung, đối tượng, thời gian, địa bàn giám sát. Để tăng hiệu quả công tác giám sát chuyên đề, tại các kỳ họp nên đưa các nội dung kiến nghị giám sát vào nội dung chất vấn; tuyên truyền kết quả giám sát lên các phương tiện thông tin đại chúng để đồng bào theo dõi, giám sát.

Với phương châm tập trung hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, thấu hiểu dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhiệm kỳ vừa qua, công tác giám sát của Ban đã từng bước đổi mới, sáng tạo được các ngành, các cấp đánh giá cao, được dư luận và nhân dân hoan nghênh, ủng hộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, vai trò, uy tín của Ban nói riêng và của các cơ quan dân cử nói chung. Những thành quả này là tiền đề quan trọng để nhiệm kỳ mới 2021-2026, Ban tiếp tục phát huy và phát triển./.

 
Tin, ảnh: BDT
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập99
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay25,037
  • Tháng hiện tại370,894
  • Tổng lượt truy cập7,332,739
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây