Nâng cao vai trò của HĐND tỉnh trong giám sát thực thi pháp luật

Thứ tư - 12/02/2020 22:36 2.218 0
Hoạt động giám sát có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền lực nhà nước của HĐND ở địa phương. Nhiệm vụ của HĐND trong giám sát việc thực thi pháp luật được quy định tại Điều 113, 114 Hiến pháp năm 2013; Khoản 8 Điều 19, Điều 87, Điều 90, Điều 104 và Khoản 3 Điều 109 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Khai thác và chế biến gỗ rừng trồng là lĩnh vực được HĐND tỉnh quan tâm kiểm tra giám sát. Ảnh: PV
Khai thác và chế biến gỗ rừng trồng là lĩnh vực được HĐND tỉnh quan tâm kiểm tra giám sát. Ảnh: PV
Hoạt động giám sát của HĐND được quy định cụ thể tại Chương I và Chương III Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. HĐND tổ chức giám sát thực thi pháp luật tại kì họp; giải trình, chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND; giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, các ban HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND; đối thoại, tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu và đại biểu HĐND.

Về giám sát tại kì họp, từ đầu nhiệm kì đến nay, HĐND tỉnh tổ chức 13 kì họp, gồm 8 kì họp thường lệ, 4 kì họp bất thường; ban hành 149 nghị quyết, trong đó có nghị quyết kết luận giám sát. Tại các kì họp thường lệ, HĐND xem xét các báo cáo của UBND về kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh; dự toán ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước ở địa phương; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri. Đồng thời, xem xét việc thực hiện kết luận sau giám sát của HĐND, Thường trực, các ban HĐND tỉnh và ý kiến, kiến nghị của cử tri. Một số kì họp, HĐND xem xét báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thi hành Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND tỉnh. Qua giám sát, nhìn chung UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn cùng cấp cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật ngay từ khi tiếp nhận văn bản pháp luật, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ban hành hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện. Đối với văn bản pháp luật cấp trên giao HĐND tỉnh quy định chính sách, chế độ phù hợp với nguồn lực, tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định để kịp thời thực hiện, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Việc thực hiện quy trình xây dựng chính sách địa phương bảo đảm trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động của chính sách, của các ngành và địa phương liên quan nên nhiều chính sách ban hành bảo đảm tính thực tiễn và khả thi trong quá trình thực hiện như chính sách để hỗ trợ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hỗ trợ khuyến khích thu hút đầu tư; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, phát triển dịch vụ du lịch; chính sách đất ở và đất sản xuất, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào khó khăn; chính sách đào tạo, thu hút, đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức, bồi dưỡng cán bộ không chuyên trách; công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, công tác bảo đảm an ninh biên giới; hỗ trợ hoạt động tòa án nhân dân, hội thẩm nhân dân…đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Về giám sát chuyên đề, HĐND tỉnh thành lập các đoàn giám sát nhằm xem xét, đánh giá việc thực thi pháp luật trên các lĩnh vực: Kinh tế - ngân sách; tài nguyên - môi trường; dân tộc - tôn giáo; văn hóa - xã hội và xây dựng chính quyền. Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn một hoặc một số chuyên đề ở mỗi lĩnh vực để tập trung giám sát, nổi bật là các nội dung giám sát về: Thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản; công tác quản lí nhà nước về tình hình tổ chức và hoạt động của các nhà máy chế biến gỗ, gỗ dăm; khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản; về cổ phần hóa các công ty TNHH MTV lâm nghiệp 100% vốn nhà nước; thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; công tác điều tra, truy tố xét xử, thi hành án; sắp xếp, sáp nhập thôn, khu phố; sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tình hình triển khai thực hiện cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững; giám sát các chính sách đối với người có công, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số…Trong đó, chỉ riêng giám sát việc giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND xem xét, giao UBND tỉnh thu hồi đất lâm nghiệp của Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ: 207,5 ha; Trại giam Nghĩa An: 661,56 ha; Công ty MDF Geruco Quảng Trị: 163,9 ha; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 468,9 ha; Doanh nghiệp tư nhân Thanh Bình: 94,4 ha. Thu hồi đất đô thị, đất khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch của 44 dự án với diện tích 17.344.600 m2 ; thu hồi một phần diện tích của 26 dự án với diện tích 17.170.600 m2. HĐND tỉnh cũng quyết định dành 15% - 20% diện tích đất các công ty lâm nghiệp quản lí giao lại cho các địa phương để giao cho dân đang thiếu đất sản xuất. Hiện nay các công ty lâm nghiệp cơ bản đã giao đủ số lượng diện tích đất lâm nghiệp theo nghị quyết giám sát của HĐND tỉnh.

Giám sát đối thoại xử lí đơn thư, khiếu nại, kiến nghị của cử tri Thường trực HĐND tổ chức các phiên chất vấn, giải trình để các cơ quan chuyên môn cùng cấp trực tiếp xem xét giải quyết những vướng mắc trong thực thi pháp luật liên quan bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tổ đại biểu và đại biểu HĐND cũng đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật, báo cáo các chính sách của địa phương để cử tri biết và thực hiện, đồng thời tiếp nhận các ý kiến đóng góp của cử tri tham gia xây dựng chính sách địa phương và pháp luật của Nhà nước.

Qua hoạt động giám sát thi hành pháp luật, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục xem xét, đó là việc thực thi các chính sách địa phương do HĐND tỉnh bàn hành còn nôn nóng, muốn đưa ra nhiều chính sách có tính ưu việt cao nhưng không bảo đảm đủ nguồn lực cân đối như các chính sách hỗ phát triển sản xuất vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, chính sách bảo tồn phát huy giá trị di tích do địa phương quản lí… Việc thực thi pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công, quy định các công trình khởi công mới phải được phê chuẩn chủ trương đầu tư trước ngày 31/10 năm trước, trong khi HĐND tỉnh họp quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm sau vào thời điểm đầu tháng 12, khi Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách. Quy định này rất khó thực hiện tại nhiều địa phương. Trong lĩnh vực đất đai, quy định việc chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất của các danh mục dự án thu hồi đất trình kì họp cuối năm của HĐND tỉnh xem xét, quyết định gặp không ít khó khăn đối với các dự án thu hút đầu tư phát sinh trong năm. Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các công ty lâm nghiệp đang vướng phương án bàn giao đất kéo dài, nên không thực hiện cổ phần hóa theo lộ trình Chính phủ quy định. Về thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, hầu hết các đơn vị sự nghiệp giáo dục, các đơn vị sự nghiệp y tế dự phòng không thực hiện cơ chế tự chủ được. Về sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, cần được tiếp tục tháo gỡ như sự đồng tình chưa cao ở một số địa phương về việc đặt tên xã hoặc quy định địa phương có tính đặc thù chưa được lượng hóa, việc đầu tư cơ sở vật chất sau sáp nhập; chính sách cho cán bộ không chuyên trách, cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp lại cũng thiếu đồng bộ và không kịp thời…

Từ thực tiễn hoạt động giám sát thi hành pháp luật tại địa phương, thông qua hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, hội nghị thường niên của Thường trực HĐND các tỉnh Bắc miền Trung tỉnh đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời rút ra kinh nghiệm và giải pháp đối với vai trò của HĐND tỉnh trong việc giám sát thi hành pháp luật tại địa phương, đó là: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm, rõ mục tiêu, đối tượng; chuẩn bị kĩ càng; thông báo kết luận cụ thể; chú trọng hậu giám sát. Giám sát sâu, thẩm tra kĩ, chất vấn dân chủ, giải trình chất lượng, theo đến cùng quá trình giải quyết.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay5,407
  • Tháng hiện tại33,784
  • Tổng lượt truy cập9,757,260
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây