HĐND tỉnh Quảng Trị

http://www.hdndquangtri.gov.vn


Tăng cường việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số

Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) cấp xã có vai trò rất quan trọng, là người trực tiếp góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống của đồng bào DTTS, là hạt nhân tiêu biểu trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thời là lực lượng tiên phong góp phần xây dựng phát triển bền vững kinh tế, xã hội, chính trị ở vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, để xây dựng chính quyền cấp cơ sở vùng DTTS vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thì cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người DTTS.
 
Tăng cường việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số
Ban Dân tộc - HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Hướng Hóa về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số

Thực hiện Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 -2025, chiến lược đến năm 2030, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS đã được đào tạo kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và từng bước đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Tính đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 2.514 cán bộ, công chức cấp xã trong đó có 786 cán bộ công chức cấp xã miền núi vùng dân tộc thiểu số; 419 cán bộ công chức là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 16.7% trong toàn tỉnh.

Về trình độ chuyên môn có 368 đại học (chiếm tỉ lệ 87,8%, tăng 220 người so với năm 2018); 08 cao đẳng (chiếm tỉ lệ 2%); 25 trung cấp (chiếm tỉ lệ 6%); 05 sơ cấp và chưa qua đào tạo (chiếm tỉ lệ 1,2%, giảm 129 người so với năm 2018). Về trình độ lý luận chính trị có 14 cao cấp, cử nhân (chiếm tỉ lệ 3,3%); 353 trung cấp (chiếm tỉ lệ 84%); sơ cấp và chưa qua đào tạo 41 người (chiếm tỉ lệ 10%). Về quản lý nhà nước và tin học: Có 370 người đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng quản lý nhà nước chiếm tỷ lệ 88,5%; 383 người đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng tin học chiếm tỷ lệ 92%.

 
dt2 4
Công chức xã Mò Ó, huyện Đakrông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân 

Sau hơn 04 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh đã tổ chức 26 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 1.625 lượt cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS. Các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đã kịp thời khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã người DTTS không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cấp xã đã từng bước được nâng cao trình độ, năng lực công tác, quản lý nhà nước, tin học văn phòng và các kỹ năng hành chính để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã được, việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người DTTS vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Tỉ lệ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm dần (Hướng Hóa năm 2018 từ 48,4% đến 2022 chỉ còn 42,9%; Đakrông năm 2018 từ 87,7%  đến 2022 chỉ còn 63%); nhu cầu được đào tạo đại học, sau đại học của cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS còn nhiều nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể do đó việc hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ trình độ đại học, cao đẳng cho cán bộ, công chức người DTTS theo Nghị quyết vẫn chưa được thực hiện.

Công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức DTTS cấp xã còn bất cập; đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn kết với quy hoạch, kế hoạch sử dụng cán bộ; nội dung bồi dưỡng ít được cập nhật, chưa bám sát thực tế, hiệu quả sau đào tạo chưa cao.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS theo Nghị quyết số 09/2018/ NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2025, chiến lược đến năm 2030, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác tham mưu, hướng dẫn cơ sở triển khai đăng ký các khóa đào tạo, lớp bồi dưỡng hàng năm. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc hỗ trợ chính sách theo quy định của Nghị quyết đối với 196 trường hợp cán bộ công chức DTTS cấp xã đã và đang tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn từ năm 2018 đến nay.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo hướng nâng cao chất lượng: Đổi mới hình thức, phương pháp, nội dung bồi dưỡng, tập huấn sát với thực tiễn vị trí việc làm và đặc điểm tình hình của các địa phương; phân luồng đối tượng bồi dưỡng, mở các lớp riêng cho cán bộ, công chức dân tộc thiểu số mới tuyển dụng, cán bộ, công chức công tác lâu năm đã được tập huấn; số lượng học viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn vừa phải để có sự trao đổi thông tin giữa người truyền đạt và tiếp thu.

 
Quan tâm, ưu tiên tuyển dụng các sinh viên DTTS đã tốt nghiệp ra trường, về công tác tại các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS theo đúng tinh thần của Nghị quyết, đặc biệt là sinh viên cử tuyển. Xây dựng cơ chế đặc thù, ưu tiên trong việc tuyển dụng công chức đối với đối tượng là người DTTS.
 
Đối với UBND huyện, xã cần khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết và xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, xuất phát từ nhu cầu thực tế và vị trí việc làm trong đó ưu tiên các cán bộ nữ, cán bộ trẻ người DTTS có năng lực. Thực hiện chặt chẽ công tác xét duyệt hồ sơ khi cử cán bộ công chức tham giam các khóa đào tạo chuyên môn trình độ đại học, sau đại học gắn với công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức người DTTS. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, sử dụng cán bộ. Quan tâm công tác luân chuyển để đào tạo nhằm tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài, khắc phục tình trạng thiếu cán bộ vùng đồng bào DTTS./.
Mai Linh
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây